Sưu tầm nghiên cứu cổ vật giờ đây không còn là một thú vui của số ít người mà nó đang được xã hội hoá với nhiều người-nhiều giới tham gia. Nhà báo Trần Thanh Hưng, hiện đang công tác tại Phòng Thời sự-Chuyên mục của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (PVTV) , có lẽ là nhà báo duy nhất ở Phú Yên dám lao vào thú chơi này. Anh đang có nhiều dự định dài hơi cho cuộc “chơi” đầy công phu và tốn không ít tiền bạc này.
Cho đến nay, bộ sưu tập hiện vật của Thanh Hưng đã có hàng trăm món với nhiều loại hình khác nhau. Từ những thứ nhỏ xíu như những chiếc tỷ yên hồ đời Thanh đến những vật “khổng lồ” cỡ như cái nhà lá mái 3 gian 2 chái của miền Trung đã có tuổi trên 250 năm.
Với một người coi chuyện sưu tầm nghiên cứu cổ vật là một thú vui đằng sau công việc bận rộn của một nhà báo, thì để có được số lượng hiện vật đó tưởng rằng phải mất một quãng thời gian rất dài. Nhưng ở tuổi chưa đến 40 như anh thì có được bộ sưu tập với số lượng phong phú như vậy đã là đáng ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên hơn khi anh cho biết mới chỉ bắt đầu sưu tầm cổ vật từ năm 2001 đến nay từ niềm đam mê và bắt đầu với những chuyện hết sức tình cờ – Thanh Hưng thổ lộ.
NGHỀ NGHIỆP VÀ NGHỀ CHƠI
Năm 1993, trong một chuyến công tác về xã Phước Tân, huyện miền núi Sơn Hòa, Thanh Hưng tình cờ nhìn thấy một chiếc chóe sành đựng rượu có men màu xanh lục lại dính rất nhiều vỏ sò thật lạ mắt. Hỏi một già làng trong buôn, anh biết ngày trước bà con dân tộc mua loại choé này tại vùng Lò Gốm thuộc huyện Tuy An quê hương anh. Linh cảm của một người mê đồ xưa đã mách bảo anh đây là một sản phẩm độc đáo của gốm Quảng Đức xưa nay đã thất truyền. Anh mua lại chiếc choé này mang về... để đấy, và không nghề sau này, chiếc chóe rượu này đã mở ra cho anh một niềm đam mê mãnh liệt về gốm cổ nói chung và gốm Quảng Đức nói riêng. Khi lập gia đình, người cha vợ đã tặng cho anh một chiếc khay đựng rượu bằng gỗ đã có tuổi trên 100 năm do ông bà để lại, như thể ông cũng rất ủng hộ niềm đam mê của chàng rể mình. Còn năm 2001, trong lúc đi tìm nhân vật cụ Vũ Tôm ở Phường Lụa Ngân Sơn huyện Tuy An để thực hiện phóng sự, anh được biết: Cha của cụ Vũ Tôm là Vũ Trưng đã từng đưa vợ mình là nghệ nhân dệt lụa ra Huế nhận phần thưởng của vua Bảo Đại là chiếc huy chương vàng và bộ khung dệt khắc 4 chữ “ Hoàng hậu ân tứ ” do Hoàng hậu Nam Phương đề tặng. Rất tiếc là cả hai cổ vật này ông Tôm không còn giữ được do chiến tranh ác liệt. Thất vọng vì không thực hiện được phóng sự của mình nhưng anh rút ra một điều tâm huyết: cố gắng giữ gìn những hiện vật có liên quan đến văn hoá lịch sử của mỗi vùng đất, mỗi con người…
Là nhà báo, Thanh Hưng có điều kiện hơn những người sưu tầm cổ vật khác ở Phú Yên khi anh có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các nhà nghiên cứu về lĩnh vực này, được xem các bộ sưu tập ở nhiều nơi, có được những thông tin cập nhật về lĩnh vực này. Chính vì vậy, dù là đi sau trong lĩnh vực này, nhưng anh hiếm khi vớ phải những món đồ giả cổ mà nói theo dân sưu tầm là đóng học phí. Thậm chí anh còn phát hiện ra một đường dây chuyên làm đồ gốm, đồ đá giả cổ ở B.Đ rồi lừa bán cho những người chơi cổ ngoạn. Anh đưa luôn một phóng sự về chuyện này phát trên VTV và đã có tác dụng cảnh báo rất lớn đối với giới sưu tầm, vì cách làm đồ giả cổ của đường dây này là dùng đất và đá ngay tại các tháp Chăm để chế tác, nên đã qua mặt luôn việc xác định tuổi cổ vật bằng các-bon 14 và phương pháp nhiệt huỳnh quang. Anh cũng cho biết, việc sưu tầm nghiên cứu cổ vật giúp anh rất nhiều về kiến thức xã hội cho công tác chuyên môn. Nếu không tìm hiểu về nhà lá mái, anh không thể biết được các thuật ngữ về nhà ở ngày trước khi thực hiện chương trình chuyên đề Nhà ở dân gian miền Trung phát trên sóng VTV với những từ ngữ bây giờ đã xa lạ với giới trẻ như: xiêng-trính-đấm-quyết, nhà chữ đinh, chữ công, nhà nội công-ngoại quốc, nhà thảo bạc…( tức nhà làm nối trước nhà lớn lợp tranh rạ sơ sài nay không còn tìm thấy-theo Đại Nam quốc âm thi tập của Huỳnh Tịnh Của )
SƯU TẦM LUÔN NHÀ LÁ MÁI …
Không phải chơi những món nhẹ nhàng, Thanh Hưng còn khiến người ta “tròn mắt” khi anh đưa luôn một cái nhà lá mái 3 gian 2 chái có tuổi trên 250 năm về dựng tại TP.Tuy Hoà. Trong một chuyến công tác ra Tuy Phước (Bình Định), ông Nguyễn Vĩnh Hảo-chủ nhân bộ sưu tập gốm Gò Sành- mách cho anh có người muốn hoán đổi một ngôi nhà lá mái để xây dựng nhà mới. “Tuy cột kèo của ngôi nhà không lớn lắm do nằm ở xa miền núi nhưng nó còn khá nguyên vẹn và đường nét chạm trỗ hết sức tinh vi. Là sản phẩm của những toán thợ Thiết Mộc Tượng Bình Định lừng danh-danh hiệu triều Nguyễn ban tặng cho những thợ mộc giởi ở miền Trung. Ngôi nhà này nguyên là của cụ cao Hồ Thành, chánh tổng huyện Tuy Phước mà gia đình không còn khả năng để bảo tồn. Tôi không ngần ngại rước một nhóm thợ gioỉ từ Phú Yên ra, tháo toàn bộ ngôi nhà, chở về TP Tuy Hòa. Phải mất 5 tháng ròng rã với gần 200 công thợ mộc cho việc tháo dỡ-trùng tu -phục dựng “ – Thanh Hưng kể lại. Anh cũng cho biết thêm rằng động lực khiến anh mua căn nhà lá mái này ngoài sự đam mê còn là cách để lưu giữ lại một ký ức khó phai của người mẹ mình. Nhà ngoại anh ngày trước là một ngôi nhà lá mái bề thế, mẹ anh bảo: một vòng tay trẻ nhỏ ôm không hết thân cột. Nhưng vì chiến tranh, giặc đã đốt cháy rụi, sau này mẹ anh cứ nhắc hoài về ngôi nhà có những trụ gỗ to cháy cả tuần vẫn còn un khói với những ký ức mà bà không thể quên…
Ngôi nhà cổ ấy ban đầu Thanh Hưng dự tính làm phòng trưng bày sưu tập tư nhân nhưng vì phải “lấy ngắn nuôi dài” cho công việc sưu tầm của mình nên anh đành buộc bụng mở một quán trà với cái tên cũng không giống ai ở giữa lòng TP Tuy Hòa: “Cổ gia trà” ! Khách đến, ngoài việc thưởng thức những loại trà được pha chế đặc biệt, còn được sống trong không khí cổ xưa mà theo anh ít có thứ gì ở đây mới: từ ngôi nhà cổ, 2 bộ thư hoạ-thư pháp xưa có tên Tùng hạt diên niên và Chư tử trị gia cách ngôn đến tủ trưng bày một số gốm Quảng Đức mà anh sưu tầm được ...
MƠ ƯỚC CÓ MỘT NƠI TRƯNG BÀY …
Đó là ấp ủ lớn nhất của Trần Thanh Hưng trong “nghiệp” chơi đồ cổ của anh. Anh đã làm thủ tục đăng ký di vật, cổ vật với ngành văn hoá thông tin và chờ các thủ tục tiếp theo để xây dựng một phòng trưng bày gốm Quảng Đức. Theo anh, việc đầu tư xây dựng một bảo tàng tư nhân hay các phòng trưng bày tại TP Tuy Hòa hiện nay là cần thiết, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa về công tác bảo tồn bảo tàng theo Luật di sản văn hoá của Nhà nước và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa vật thể của người dân cũng như khách du lịch. Anh mong muốn có một nơi rộng rãi về không gian để trưng bày bộ sưu tập gốm Quảng Đức của Phú Yên. Thanh Hưng thổ lộ rằng, mong muốn của anh cũng như các nhà sưu tập khác tại TP.Tuy Hoà là góp một phần nhỏ của mình hướng đến kỷ niệm 400 năm Phú Yên (2011).
Tại sao là Bảo tàng tư nhân hay Phòng trưng bày sưu tập tư nhân gốm Quảng Đức mà không phải một cái tên nào khác? Thanh Hưng giải thích: “Gốm cổ Quảng Đức là một sản phẩm truyền thống độc đáo ở huyện Tuy An tỉnh Phú Yên từ hàng trăm năm trước và nay đã thất truyền. Gốm Quảng Đức cũng là sự kết hợp của đất và lửa nhưng được làm bằng những nguyên liệu và kỹ thuật nung độc đáo hiếm thấy: Đất sét được lấy ở vùng An Định, tạo men màu nhờ hoả biến sò huyết ở đầm Ô Loan nổi tiếng trong quá trình nung, dùng toàn củi mằng lăng có nhiều ở khu vực An Thạch làm nhiên liệu đốt lò. Thời thịnh hành, gốm Quảng Đức được bán đi nhiều nơi trong nước, cả người kinh người thượng lẫn các quan Tây ở Cheo Leo, Phú Bổn, Đắk Lắk, Gia Lai cho đến miền Nam đều tìm đến mua. Hiện nay, gốm cổ Quảng Đức đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới nghiên cứu khảo cổ học trong và ngoài nước”.
Bộ sưu tập gốm cổ Quảng Đức của Thanh Hưng hiện đã có hơn 100 hiện vật được anh sưu tầm ở nhiều tỉnh miền Trung, khá phong phú về chủng loại: hũ đựng dầu làm đèn, nậm rượu, hỏa lò, vò – bình – chóe đựng rượu, bình vôi, ống nhổ... và nhiều sản phẩm đất nung khác. Anh khoe: “Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn ở TP Hồ Chí Minh cho biết ông có một số hiện vật về gốm vỏ sò Quảng Đức là bình vôi có thơ Nôm tìm được khi nạo vét kênh rạch Sài Gòn . Ông hứa sẽ chuyển nhượng lại những hiện vật đó để làm phong phú thêm bộ sưu tập của tôi. Còn mới đây, một người sưu tầm cổ vật ở Tuy Hòa đã nhượng lại cho tôi 2 chiếc bình vôi được tìm thấy tại Đà Nẵng và đây là hai hiện vật nằm trong bộ sưu tập của ông Ngô Đình Cẩn-một nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng ở miền Trung trước đây. Điều đó chứng tỏ rằng, gốm Quảng Đức của Phú Yên cũng rất nổi tiếng, chúng đã từng góp mặt trong những bộ sưu tập trứ danh”. Thanh Hưng cũng cho biết anh đang phối hợp cùng nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Đình Chúc thu thập tư liệu để làm một đề tài khoa học về làng gốm cổ Quảng Đức.
Tại căn nhà nhỏ của mình nằm trong một con hẻm trên đường Bà Triệu, phường 7, TP.Tuy Hoà, anh trưng bày khá nhiều hiện vật gốm sứ cổ Việt-Hoa-Chăm. Còn tại Cổ gia trà, gốm Quảng Đức anh chất chồng trong tủ vì không có chỗ trưng bày. Đây là nơi lui tới của những người cùng niềm đam mê với mình mà theo anh, mình đã tầm ở họ rất nhiều kiến thức quan trọng về lĩnh vực này: anh em ở Bảo tàng tổng hợp Phú Yên, cố GS. Trần Quốc Vượng, TS.Lê Đình Phụng ở Viện khảo cổ học, TS.Trần Đức Anh Sơn GĐ.Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn TP.HCM, TS. Thomas Ulbrich-chuyên gia về văn hoá Phương Đông…
Trong số gần 100 món gốm cổ Quảng Đức, anh thích nhất là chiếc hoả lò vì chỉ tìm thấy được 2 cái ở Phú Yên, bộ choé 3 màu đặc trưng của gốm Quảng Đức là cỏ úa, xanh lục và xám đen. Những món đồ đất nung, theo anh quí hiếm nhất là chiếc vò 6 mặt bợm có hoa văn hoa thị anh sưu tầm được ở Hoà Xuân huyện Đông Hoà, chiếc bình cắm hoa lục giác anh sưu tầm được ở làng Minh Hương Vũng Lắm huyện Sông Cầu. Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng, đây là chiếc bình bán sành-bán sứ độc nhất mà ông đã từng gặp. Mặc dù do người Minh Hương làm nhưng chất đất của Phú Yên, kiểu dáng và đề tài trang trí thì rất thuần Việt. Món đồ này mang tính độc bản, vì anh chưa tìm thấy cái thứ hai trong mấy năm qua. Còn về mảng đồ sứ cổ các đời Minh, Thanh Trung Hoa, đồ sứ ký kiểu của Việt Nam, đồ sứ của các Cty Đông Ấn đặt làm từ Trung Hoa mà anh có được, anh thích nhất chiếc bình tu hú có minh văn bài Chư tử trị gia cách ngôn. Ở Phú Yên chỉ có 2 chiếc này. Anh thích vì anh còn có cả chén-đĩa-tô cũng cùng có bài minh văn trên. Và gần đây, anh đã sưu tầm được chiếc nghiên mực đời Thanh trong bộ Văn phòng tứ bảo liên quan đến công việc viết lách của mình.
Cũng như những người sưu tầm nghiên cứu cổ vật ở Phú Yên, anh mong muốn góp một phần nhỏ của mình vào công tác bảo tồn vốn văn hoá vật thể trên một vùng đất Phú Yên đã có tuổi gần 400 năm, vùng đất có sự giao thoa về văn hoá Việt-Hoa-Chăm khá độc đáo. Và điều quan trọng hơn là nếu không góp phần gìn giữ, thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ khó có thể tìm thấy những gì mà ông cha đã gởi gắm cho muôn đời sau qua từng hiện vật được tìm thấy ở mỗi vùng đất.
DUY NGUYỄN