Gốm Quảng Đức
Phú Yên xưa & nayarrow_rightTừ trong di sản
visibility 45 lượt xem calendar_month 11/01/2024
Gốm Quảng Đức - di sản văn hóa tiêu biểu của Phú Yên Đầu năm 2014, cụ Nguyễn Thịnh - nghệ nhân cuối cùng của dòng gốm cổ Quảng Đức - về với thế giới vĩnh hằng ở tuổi 90, khép lại những tư liệu sống về một trong những di sản tiêu biểu trên vùn
Gốm Quảng Đức - di sản văn hóa tiêu biểu của Phú Yên Gốm Quảng Đức - di sản văn hóa tiêu biểu của Phú Yên
Đầu năm 2014, cụ Nguyễn Thịnh - nghệ nhân cuối cùng của dòng gốm cổ Quảng Đức - về với thế giới vĩnh hằng ở tuổi 90, khép lại những tư liệu sống về một trong những di sản tiêu biểu trên vùng đất Phú Yên hơn 400 năm hình thành, phát triển. May mắn, những người tâm huyết với gốm cổ Quảng Đức đã kịp ghi chép lại những chia sẻ từ cụ, những hiện vật sưu tập được khắp nơi của một dòng gốm trên 300 năm tuổi đã thất truyền...
 
1. Từ một sự tình cờ...
          Năm 1993, trong một chuyến công tác về buôn đồng bào dân tộc thiểu số xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, tôi tình cờ nhìn thấy chiếc chóe sành men màu xanh lục dính nhiều vỏ sò thật lạ mắt bỏ lăn lóc ngoài bờ rào, đã thủng đáy. Hỏi một già làng, mới biết: ngày trước bà con mua loại chóe này tại Lò Gốm huyện Tuy An. Linh cảm của một người mê đồ xưa mách bảo tôi đây là sản phẩm độc đáo của gốm Quảng Đức xưa nay đã thất truyền. Không ngờ sau này, chính chiếc chóe ấy đã mở ra cho tôi một niềm đam mê mãnh liệt về gốm cổ nói chung và gốm Quảng Đức nói riêng.
 
          Chưa bao giờ, gốm sứ được giới nghiên cứu quan tâm như những năm gần đây, đặc biệt, kể từ khi con đường gốm sứ trên biển Đông đã được xác định. Con đường nối liền hai nền văn hóa Đông - Tây sau con đường tơ lụa đã được biết đến. Trong hàng ngàn cổ vật trên con tàu đắm Bình Thuận đã được khai quật, bên cạnh đồ gốm sứ có niên đại 1573-1620 thuộc các lò nổi tiếng Cảnh Đức Trấn, Đức Hóa thuộc Phước Kiến và Quảng Đông Trung Hoa, còn có cả đồ gốm Gò Sành Bình Định và gốm Quảng Đức Phú Yên. Trên website www.asia.si.edu, nhiều hiện vật gốm cổ Quảng Đức Phú Yên đã được giới thiệu như một chỉ dẫn về văn hóa cho vùng đất Phú Yên tại miền Trung Việt Nam. Điều này cho thấy, gốm Quảng Đức đã có một vị thế nhất định trên hành trình giao lưu văn hóa không chỉ trong nước…
 
          Thời thịnh hành, gốm Quảng Đức được bán đi nhiều nơi trong nước, cả người Kinh, người Thượng lẫn các quan Tây ở Cheo Leo, Phú Bổn, Phú Túc, Đắk Lắk, Gia Lai đều tìm mua. Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn ở TP Hồ Chí Minh cho biết, ông có một số hiện vật gốm Quảng Đức có thơ Nôm tìm được khi nạo vét kênh rạch Sài Gòn những năm sau 1975. Ban đầu, ông không biết chúng thuộc dòng gốm nào, nhưng thấy khá lạ mắt, nhất là sự đa dạng về men màu có dính vỏ sò. Nhà nghiên cứu Đoàn Nam Sinh cũng ở TP Hồ Chí Minh thì kể: khi nạo vét nhiều đoạn trên sông Sài Gòn, cũng phát hiện khá nhiều gốm Quảng Đức. Một nhà sưu tập còn sưu tập được chiếc bình vôi gốm cổ Quảng Đức có chữ Vạn bên trên. Rõ ràng, dòng gốm này đã từng có một thời gian được tiêu thụ, giao thương không chỉ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên mà cả miền Nam.
 
          Trong số những chiếc bình vôi từng nằm trong bộ sưu tập của Ngô Đình Cẩn, hai chiếc bình là gốm cổ Quảng Đức. Điều đó chứng tỏ rằng, gốm Quảng Đức của Phú Yên cũng rất nổi tiếng, đã từng góp mặt trong những bộ sưu tập trứ danh.
 
          Cơn lũ lịch sử năm 1993 đã làm sạt lở cả một đoạn dài tả ngạn sông Lò Gốm. Mé sông đã lộ ra nhiều phế phẩm của một dòng gốm cổ.
 
          Tháng 1 và tháng 3/2003, chúng tôi cùng hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, Trần Đình Sơn thực hiện hai chuyến điền dã về Lò Gốm để chuẩn bị tư liệu cho đề tài nghiên cứu về làng nghề và Phật giáo. Ba nghệ nhân cuối cùng biết về gốm cổ Quảng Đức là Nguyễn Ky, Nguyễn Dần và Nguyễn Thịnh. Khi chúng tôi đến, cụ Nguyễn Ky đã mất ở tuổi 81, hai cụ còn lại đều ngoài thất thập và là anh em họ hàng. Theo các cụ: gốm Quảng Đức đã có lịch sử trên 300 năm, khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Khai sinh ra dòng gốm này là một dòng họ Nguyễn ở Bình Định mang nghề vào. Từ hai chi tiết này có thể cho thấy: gốm Quảng Đức là sự tiếp nối dòng gốm Gò Sành Bình Định nổi tiếng từ thế kỷ XII, XIII đến thế kỷ XIV, XV dưới vương triều Vijaya Chămpa và Đại Việt sau này. Khi dòng họ này đến Ngân Sơn, nhận thấy nơi đây thuận lợi cho nghề, nhất là về nguyên liệu, nhiên liệu và đặc biệt là giao thông thủy để vận chuyển tiêu thụ gốm, họ dừng lại và tiếp nối nghề. Chính trên vùng đất mới này, những nghệ nhân xưa đã cho ra đời một dòng gốm không lẫn vào đâu được.
 2. Và một kỹ thuật chế tác độc đáo
          Theo anh em nhà cụ Nguyễn Thịnh, gốm Quảng Đức được làm bằng đất sét ở An Định, dùng sò huyết đầm Ô Loan chèn vào bao nung quanh thai gốm trước khi nung, đốt chủ yếu bằng củi mằng lăng trong vùng và chở từ Kỳ Lộ (Đồng Xuân) xuống qua đường sông Cái. Đất sét xanh thì dùng chế tác đồ thông dụng, đất sét vàng thì dùng làm đồ cao cấp hơn. Còn đất sét xanh trộn với đất sét vàng làm đồ có kích cỡ lớn. Về kỹ thuật, gốm Quảng Đức cũng dùng bàn xoay như các loại gốm Việt khác. Qua khảo sát 7 chiếc lò nung gốm cổ Quảng Đức lúc còn sót lại và mô tả của các nghệ nhân, chúng tôi nhận thấy: kích thước lò nung có chiều cao và chiều rộng khoảng 2,5 mét, dài chừng 4 mét với 2 cửa lớn để đốt lò và 2 ống khói bên trên.
 
          Điều mà giới sưu tầm và các nhà nghiên cứu quan tâm là vì sao tất cả gốm cổ Quảng Đức điều có dấu vỏ sò dính trên thân và màu men khá đặc trưng. Trên thế giới, việc sử dụng vỏ sò để làm tăng nhiệt độ lò đã xuất hiện khá sớm, song, việc dùng sò huyết tạo nên hiện tượng hỏa biến trong quá trình nung để làm nên nhiều sắc màu cho sản phẩm thì chỉ có ở gốm cổ Quảng Đức. Theo các nghệ nhân làng gốm này, sò huyết được mua chủ yếu ở thôn 8 xã An Ninh Đông - một xã ven đầm Ô Loan của huyện Tuy An nối với vùng Ngân Sơn qua hai hệ thống giao thông thủy là Hà Yến và Tam Giang. Thai gốm (sản phẩm gốm chưa nung) đặt vào một bao nung, sau đó, sò huyết được chèn vào trước khi cho vào lò nung. Nhà sưu tầm nghiên cứu cổ vật Nguyễn Vĩnh Hảo ở Bình Định cho biết: Gốm Gò Sành và gốm Quảng Đức thường được dùng củi chành rành hoặc sò huyết trong quá trình nung để tăng nhiệt độ lò và tạo nên hỏa biến mà cho ra nhiều màu men riêng biệt.
 
          Ngoài sưu tập gốm Quảng Đức đang trưng bày ở Bảo tàng Phú Yên với số lượng không nhiều, sản phẩm chưa phong phú, hơn 20 năm qua, chúng tôi đã sưu tập được gần 200 hiện vật gốm cổ Quảng Đức từ nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long...khá phong phú về chủng loại như: hũ đựng dầu làm đèn, nậm rượu, hỏa lò, vò - bình - chóe đựng rượu, bình vôi, ống nhổ, khuôn in chữ Công, tượng Phật... và nhiều sản phẩm đất nung khác.
 
          Các nghệ nhân gốm cổ Quảng Đức cũng cho biết triều Nguyễn đã từng giao quan Tuần Vũ ở Sông Cầu cho người đặt họ làm những chậu hoa lớn bằng đất nung với đề tài trang trí đắp nổi như: long - lân - quy - phụng, bát tiên quá hải, ngư tiều canh mục, chữ công… để đưa về Huế đô trang trí. Sinh thời, cụ Nguyễn Thịnh còn cho biết, một lần, ông cùng một nghệ nhân dệt lụa Ngân Sơn ra Huế, một người lo trang trí non bộ, một người tiến lụa cho vua, được Bảo Đại thưởng 300.000 đồng. Trong số các hiện vật chúng tôi sưu tầm được, có một số gốm cổ Quảng Đức là độc bản, như: chiếc hỏa lò để bàn, khuôn in hình chữ công, tượng Phật, ống nhổ, đôn hóa vàng, lư hương, chậu hoa có dòng chữ “1934 villa de Quang Đuc”, chiếc vò có dòng chữ Hán “Liên Thành công ty” do Hãng nước mắm Liên Thành đặt làm (Liên Thành là một trong những thương hiệu đầu tiên của Việt Nam xuất hiện từ năm 1904, cụ Phan Chu Trinh là một trong những thành viên sáng lập).
 
          Làng Quảng Đức nay thuộc xã An Thạch huyện Tuy An tiếp giáp với Ngân Sơn, gần tỉnh lỵ xưa nên có nhiều làng nghề phát triển. Trong làng bây giờ vẫn còn miếu thờ Quang Điếm Lưu Phước tưởng niệm tiền nhân với hai câu đối:
 
          Đức thừa tiên tổ thiên niên vĩnh
          Phước ấm nhi tồn bách thế vinh
 
          Dưới thời Pháp thuộc, Ty hàng lụa Ngân Sơn và Ty gốm Quảng Đức cuối năm hay đầu xuân đều cúng heo ở Quang Điếm này. Gốm Quảng Đức chấm dứt việc chế tác theo lối truyền thống khoảng từ sau năm 1945 do giặc giã, nhưng những sản phẩm gốm men sò của Quảng Đức còn sót lại cũng đủ minh chứng cho một thời vang bóng của dòng gốm này. Chậu hoa bằng đất nung gốm Quảng Đức khắc chìm dòng chữ: “1934 villa de Quang Đuc”, có lẽ là một trong những sản phẩm cuối cùng khi người Pháp có mặt ở vùng đất này, ghi dấu một làng nghề đã đi vào quá vãng…
 
          Gốm cổ Quảng Đức là sản phẩm truyền thống độc đáo ở Phú Yên từ hàng trăm năm trước và nay đã thất truyền. Gốm Quảng Đức cũng là sự kết hợp của đất và lửa nhưng được làm bằng những nguyên liệu và kỹ thuật nung độc đáo hiếm thấy. Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, trong số 36 địa chỉ lò gốm cổ Việt Nam thì Phú Yên nằm ở vị thứ 21 từ Bắc vào với hai địa danh Quảng Đức và Mỹ Thạnh Tây ( Hòa Phong, Tây Hòa ). Cố GS Trần Quốc Vượng, TS Lê Đình Phụng ở Viện Khảo cổ học, TS Thomas Ulbrich - chuyên gia về văn hóa phương Đông, nhà nghiên cứu gốm Kenry Nguyễn, Phillip Trương… đã nhiều lần đến tìm hiểu về gốm cổ Quảng Đức Phú Yên và có chung nhận đinh: đây là dòng gốm có nét độc đáo trong chế tác.
          Sinh thời, cụ Nguyễn Thịnh mong muốn cùng các cơ quan chức năng phục chế một mẻ gốm Quảng Đức theo kỹ thuật chế tác truyền thống, vì bấy giờ làng Quảng Đức vẫn còn nghệ nhân, còn nguyên liệu. Nhưng những khó khăn khách quan, chủ quan mà quan trọng nhất là chưa tìm được người tâm huyết nên chưa thực hiện được.
 Nhưng với những gì mà các nghệ nhân để lại, với hàng trăm hiện vật sưu tập được hay vẫn còn đâu đó trong dân gian vẫn đủ minh chứng cho các nhà nghiên cứu Việt Nam và thế giới về một kỹ thuật chế tác gốm độc đáo riêng có ở làng gốm Quảng Đức, bên dòng Ngân Sơn thơ mộng của vùng đất Tuy An, Phú Yên…
 
Thùy Duyên
Xem nhiều nhất
QUẢNG ĐỨC – LÀNG GỐM CỔ BÊN BỜ SÔNG CÁI
QUẢNG ĐỨC – LÀNG GỐM CỔ BÊN BỜ SÔNG CÁI Lâu nay, giới chơi cổ vật thường nhắc đến một dòng gốm cổ với nhiều nét riêng độc đáo có nguồn gốc từ làng Quảng Đức,
Khai mạc triển lãm “Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức”
Khai mạc triển lãm “Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức” (BĐ) - Chiều qua (24.7), tại Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya Chămpa Bình Định (TP. Quy Nhơn), đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức”.
Từ Gò Sành đến Quảng Đức
Từ Gò Sành đến Quảng Đức Chúng ta đang xuôi dòng sông Kôn để đến một trong những vùng quê thanh bình của vùng đất võ trời văn Bình Định. Ấy là miền gốm cổ Gò Sành tại thôn Phụ Quang, xã Nhơn Hoà huyện An Nhơn. Bên dòng sôn
Nhà nghiên cứu Suzuki Tomomi: Gốm nung làm rung động trái tim tôi
Nhà nghiên cứu Suzuki Tomomi: Gốm nung làm rung động trái tim tôi Chiều chớm xuân bên dòng sông Ba soi bóng phố thị Tuy Hòa, Suzuki Tomomi, người Nhật Bản, say sưa phác họa lại chuyến điền dã từ Đà Nẵng đến Phú Yên để được tận mắt chiêm ngưỡng những kiệt tá
Dấu Ấn Trong Lòng Đất
Dấu Ấn Trong Lòng Đất Cuộc triển lãm đó đã qua gần 1 năm, vậy mà âm hưởng vẫn còn lưu lại tới ngày nay. Năm 2008, triển lãm gốm cổ “Từ Gò Sành đến Quảng Đức” đã mở ra một mạch tư tưởng lớn để hậu thế có
Oyster shell glaze evokes a golden era
Oyster shell glaze evokes a golden era A unique style of pottery glaze indigenous to Phu Yen has been rediscovered. But though it flourished for centuries, there is no possibility it can be revived.
Tin mới nhất
Từ Gò Sành đến Quảng Đức
Từ Gò Sành đến Quảng Đức Chúng ta đang xuôi dòng sông Kôn để đến một trong những vùng quê thanh bình của vùng đất võ trời văn Bình Định. Ấy là miền gốm cổ Gò Sành tại thôn Phụ Quang, xã Nhơn Hoà huyện An Nhơn. Bên dòng sôn
Khai mạc triển lãm “Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức”
Khai mạc triển lãm “Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức” (BĐ) - Chiều qua (24.7), tại Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya Chămpa Bình Định (TP. Quy Nhơn), đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức”.
Nhà nghiên cứu Suzuki Tomomi: Gốm nung làm rung động trái tim tôi
Nhà nghiên cứu Suzuki Tomomi: Gốm nung làm rung động trái tim tôi Chiều chớm xuân bên dòng sông Ba soi bóng phố thị Tuy Hòa, Suzuki Tomomi, người Nhật Bản, say sưa phác họa lại chuyến điền dã từ Đà Nẵng đến Phú Yên để được tận mắt chiêm ngưỡng những kiệt tá
QUẢNG ĐỨC – LÀNG GỐM CỔ BÊN BỜ SÔNG CÁI
QUẢNG ĐỨC – LÀNG GỐM CỔ BÊN BỜ SÔNG CÁI Lâu nay, giới chơi cổ vật thường nhắc đến một dòng gốm cổ với nhiều nét riêng độc đáo có nguồn gốc từ làng Quảng Đức,
Gốm Quảng Đức - một dòng gốm cổ bị thất truyền
Gốm Quảng Đức - một dòng gốm cổ bị thất truyền Ngày 29/6/2009 vừa qua, tại nhà lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ, số 3 Tản Đà, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, đã khai mạc triển lãm Con đường đất nung và kéo dài 3 tháng.
Gốm Quảng Đức - di sản văn hóa tiêu biểu của Phú Yên
Gốm Quảng Đức - di sản văn hóa tiêu biểu của Phú Yên Đầu năm 2014, cụ Nguyễn Thịnh - nghệ nhân cuối cùng của dòng gốm cổ Quảng Đức - về với thế giới vĩnh hằng ở tuổi 90, khép lại những tư liệu sống về một trong những di sản tiêu biểu trên vùn
Default information