visibility 317 lượt xem calendar_month 11/01/2024
QUẢNG ĐỨC – LÀNG GỐM CỔ BÊN BỜ SÔNG CÁI
Lâu nay, giới chơi cổ vật thường nhắc đến một dòng gốm cổ với nhiều nét riêng độc đáo có nguồn gốc từ làng Quảng Đức,
QUẢNG ĐỨC – LÀNG GỐM CỔ BÊN BỜ SÔNG CÁI
Lâu nay, giới chơi cổ vật thường nhắc đến một dòng gốm cổ với nhiều nét riêng độc đáo có nguồn gốc từ làng Quảng Đức, một làng nghề nằm bên bờ sông Cái thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Làng Quảng Đức cách thành phố Tuy Hoà khoảng 30km về phía bắc và cách quốc lộ 1A khoảng 1km về hướng đông. Làng Quảng Đức nằm quay mặt ra ngã ba sông Cái và sông Hà Yến, lưng tựa vào một ngọn núi thấp mang một cái tên khá lạ là núi A Man. Đây là một làng được hình thành từ lâu đời, địa bạ lập dưới thời Gia Long cho biết Quảng Đức xưa là làng Bạc Mã thuộc huyện Đồng Xuân. Hiện nay tại làng Quảng Đức còn lưu giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ. Đó là dấu tích Văn Thánh miếu thờ Khổng Tử, là chùa Châu Lâm được lập cách ngày nay khoảng 300 năm. Còn trên sườn phía tây của núi A Man ở sau làng Quảng Đức có một khu nghĩa địa cổ với hàng ngàn ngôi mộ hợp chất mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một trong những khu nghĩa địa cổ lớn nhất ở miền Trung. Làng Quảng Đức cũng là quê hương của hoà thượng Liễu Quán. Sách Lịch sử Phật giáo cho biết hoà thượng sinh ở làng Bạc Mã vào năm 1667, lên sáu tuổi xuất gia quy y Phật pháp rồi trở thành bậc cao tăng đã khai sơn chùa Thuyền Tôn ở Huế, đồng thời cũng là người khai sinh dòng thiền Lâm Tế - Liễu Quán rất thịnh hành ở Đàng Trong vào các thế kỷ XVIII, XIX.
Những bằng chứng tìm thấy qua các đợt khảo sát tại làng Quảng Đức cũng như một số di tích di tích cổ ở Phú Yên đã cho thấy ít nhất làng gốm ở Quảng Đức cũng được hình thành vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII. Sự ra đời và phát triển nghề gốm ở Quảng Đức gắn liến với vị thế địa lý cũng như tiến trình lịch sử của khu vực hạ lưu sông Cái.
Cuối thế kỷ XVI, Lương Văn Chánh theo lệnh của Nguyễn Hoàng đã đem lưu dân đến khai phá các vùng đất rộng lớn nằm giữa đèo Cù Mông và đèo Cả. Đó là các vùng đất dọc theo các con sông lớn như Cù Mông, Bà Đài (hạ lưu sông Cái), Bà Diễn (hạ lưu sông Đà Rằng), Bà Nông (hạ lưu sông Bàn Thạch).
Vùng hạ lưu sông Cái, nhờ đất đai màu mỡ rất thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, là điều kiện quan trọng để hình thành các điểm tụ cư và nhanh chóng phát triển thành các xóm làng đông đúc, trù phú như Tiên Châu, Hội Phú, Bạc Mã, Long Uyên… Cũng chính vì thế mà đến năm 1629, khi phủ Phú Yên được thiết lập thì vùng đất hạ lưu sông Cái trở thành trung tâm về chính trị, văn hoá của vùng đất Phú Yên trong suốt hơn 2 thế kỷ. Dấu tích còn lại của thời kỳ đó là các toà thành cổ còn tồn tại cho đến nay như thành Hội Phú - thủ phủ của Phú Yên từ năm 1629 đến năm 1836; thành An Thổ - thủ phủ của Phú Yên từ năm 1836 đến năm 1899.
Ở khu vực này, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, đã hình thành một số làng nghề thủ để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của mọi tầng lớp cư dân. Đó là các nghề dệt lụa, nghề làm muối, nghề làm gốm, nghề làm giấy, nghề nung vôi…Đến nay, phần lớn các nghề trên đã không còn tồn tại nhưng ảnh xạ của nó vẫn còn lưu lại qua tên gọi của các địa danh như Diêm Điền, Phường Lụa, Lò Gốm, Lò Giấy, Lò Vôi…
Làng Quảng Đức nằm ở một vị thế rất tiện lợi về mặt giao thông. Xưa kia, đường Thiên Lý sau khi vượt sông Cái ở bến đò Cây Dừa đã đi qua làng Quảng Đức rồi tiếp túc xuôi về nam. Còn đường thuỷ, từ Quảng Đức xuôi theo dòng sông Cái đi về phía hạ lưu là ra đến cửa Tiên Châu và vịnh Xuân Đài, đó đều là những thương cảng cổ. Theo dòng Hà Yến là đi vào đầm Ô Loan, nơi có loại sò huyết ngon nổi tiếng “cá mòi Phan Thiết, sò huyết Ô Loan”. Cũng từ Quảng Đức theo dòng sông Cái đi về phía thượng nguồn là đi vào vùng đất rộng lớn phía tây của Phú Yên và một số tỉnh Tây Nguyên. Sự thuận lợi về mặt giao thông đã góp phần đưa các sản phẩm gốm Quảng Đức giao thương đến nhiều vùng miền khác nhau, đồng thời cũng là nhân tố thúc đẩy nghề làm gốm ở Quảng Đức có thêm điều kiện để phát triển. Gốm Quảng Đức đã tìm thấy rất nơi xa xôi trên vùng đất Tây Nguyên hay cả một số vùng ở Nam bộ.
Sản phẩm gốm Quảng Đức có nhiều loại như vò, chậu, ché, bình vôi, đèn dầu…với nhiều kích cỡ khác nhau. Có loại kích thức chỉ cao khoảng 5 – 10cm, nhưng cũng có loại rất lớn. Chẳng hạn như loại chậu trông bông hoặc ang đựng nước nhiều chiếc có đường kính miệng từ 1m – 1,2m, cao từ 50cm – 70cm. Gốm Quảng Đức được chế tác nbằng nhiều kỹ thuật khác nhau như kỹ thuật dùng bàn xoay, kỹ thuật đắp con chạch, kỹ thuật làm bằng khuôn. Trong đó, những loại sản phẩm có kích thước nhỏ được làm bằng bàn xoay; loại sản phẩm có kích thước lớn làm kiểu đắp con chạch; loại sản phẩm có kích thước trung bình chủ yếu được làm bằng khuôn. Kỹ thuật làm gốm bằng khuôn tạo ra từng bộ phận sau đó gắn chắp lại để thành sản phẩm hoàn chỉnh. Một số loại hoa văn cũng được làm bằng khuôn sau đó áp lên sản phẩm tạo thành các mảng hoa văn nổi với nhiều mô típ sống động, tinh tế.
Một số sản phẩm gốm Quảng Đức là đồ gốm tráng men. Men gốm Quảng Đức được làm từ sò huyết đầm Ô Loan có màu xanh đậm và rất bóng, nhưng đáng chú ý là trên các sản phẩm tráng men đếu còn có dấu vỏ sò. Một số nhà nghiên cứu cho rằng thợ thủ công ở Quảng Đức đã chất vỏ sò xung quanh sản phẩm khi nung để tạo men, tức là tạo men bằng kỹ thuật nung chảy trực tiếp. Quả thật, nếu ý kiến trên đây là chính xác thì kiểu tạo men trên sản phẩm ở Quảng Đức là kỹ thuật độc đáo chưa thấy nói đến và nó cũng chính là điều làm cho dòng sản phẩm gốm Quảng Đức khác biệt với các dòng gốm khác.
Hiện nay, ở Quảng Đức chỉ còn một vài gia đình tiếp tục duy trì nghề làm gốm. Nghề xưa đã mai một nhiều, nhưng vẫn còn đó những dấu tích của làng gốm cổ một thời vang bóng.