Sôi nổi những hoạt động bên lề
Diễn ra từ 1.8 đến 3.8.2008, Festival Tây Sơn - Bình Định được đầu tư với quy mô lớn nhất trong các hoạt động văn hoá – thể thao của tỉnh Bình Định từ trước đến nay. 74 đoàn khách nước ngoài ở hơn 35 quốc gia, cùng hội tụ về Festival Tây Sơn - Bình Định tham gia hai mảng hoạt động chính của Festival là thể thao và văn hoá. Một sân khấu ngoài trời quy mô với dàn diễn viên gồm 1.100 người tham gia biểu diễn, cùng với voi, ngựa, các đoàn nghệ thuật từ các tỉnh thành trong nước và nước ngoài đã tạo nên một Festival hoành tráng.
5 con voi phục vụ cho lễ rước vua Quang Trung và lễ khai mạc Festival
Tinh hoa đất võ
Với các đoàn khách đến từ nước ngoài, được tham gia vào một chương trình Festival đậm bản sắc của vùng đất võ Bình Định thực sự là một niềm tự hào, bởi họ là những võ sinh, võ sư thọ giáo từ những bậc thầy của các môn phái võ thuật tại Bình Định nói riêng cũng như tại làng võ cổ truyền Việt Nam nói chung. Tôi gặp lại Yabov - môn sinh của Tinh Võ Đạo đến từ Nga, cách đây hai năm anh cùng học trò mình về dự Liên hoan quốc tế võ cổ truyền lần I, tuy không có nhiều thời gian để giao lưu với hết các võ phái tại liên hoan, nhưng đó là một kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời. Yabov hào hứng: “Lần liên hoan trước, đoàn chúng tôi thực sự ấn tượng mạnh, được biểu diễn và giao lưu cùng các võ phái Việt Nam là một niềm vinh dự đối với những võ sinh đến từ nước Nga. Chúng tôi cũng biểu diễn trước một lượng khán giả rất đông, rất cuồng nhiệt và dễ mến. Chính những nét đẹp của Festival võ thuật lần I khiến chúng tôi nhất định phải quay trở lại tham gia ở liên hoan lần II này. Ngoài hoạt động giao lưu võ thuật, chúng tôi được tham gia vào một lễ hội của vùng đất võ, nhộn nhịp, sôi động, và có nhiều chương trình hấp dẫn. Thực sự, mỗi chuyến đến Việt Nam là một kỷ niệm đáng nhớ”.
Hào khí Tây Sơn
Cùng những hoạt động biểu diễn của Liên hoan võ cổ truyền quốc tế lần II trong khuôn khổ Festival, tại Quy Nhơn cũng diễn ra giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc là tâm điểm chú ý của những võ sinh đến từ nước ngoài. Anh Vincent Miguel, võ sinh môn phái Hắc hổ thiết quyền đạo đến từ Pháp, lân la suốt ở nhà thi đấu sân vận động Quy Nhơn để xem thi đấu các hạng cân của giải. Vincent vui vẻ nói: “Chúng tôi chỉ đến đây tham gia biểu diễn, giao lưu với các võ phái. Thật không ngờ khi có thêm hoạt động thi đấu của các võ sĩ Việt Nam. Bởi vậy khi không có lịch biểu diễn hay các chương trình sắp sẵn là tôi cùng những người trong đoàn đến xem các võ sĩ thi đấu để học hỏi. Có quá nhiều những đòn thế mà chúng tôi chưa kịp cập nhật hoặc chưa từng xem qua, vì vậy tôi phải quay phim để đem về nghiên cứu thêm. Điều này với chúng tôi rất quan trọng, vì nó giúp những võ sinh nước ngoài có cái nhìn tổng quát hơn, hiểu biết thêm về nền võ thuật cổ truyền Việt Nam và các bước phát triển của nó”.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (giữa) cùng đại diện các bộ ngành, địa phương về dâng hương tại bảo tàng Quang Trung
Một trong những không gian sôi động nhất của Festival luôn ở những sân biểu diễn võ thuật rải khắp các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, và TP. Quy Nhơn. Em Từ Văn Luynh, 18 tuổi, Việt kiều Bỉ, lần đầu tham gia một liên hoan võ thuật quốc tế và một Festival hoành tráng. Với vốn tiếng Việt chậm rãi, Luynh cho biết: “Em học võ phái Thuỷ Pháp, ở Bỉ cũng hay đi biểu diễn trong dịp Tết của người Việt, nhưng người xem không có đông như ở Việt Nam. Mấy hôm ở Festival, ra sân biểu diễn lần đầu em hồi hộp lắm, vì các bạn võ sinh Việt Nam có trình độ cao, người xem cổ vũ nhiệt tình nên múa quyền vừa vui lại vừa run. Sang lần biểu diễn thứ hai là em vững tâm hơn nhiều, các bạn Việt Nam dễ thương lắm, tận tình chỉnh sửa những động tác để bài quyền hoàn thiện hơn”.
Không gian văn hoá
Đến với Festival Tây Sơn - Bình Định, người dân Bình Định ngỡ ngàng trước một Festival được đầu tư với kinh phí, thời gian cũng như công sức chuẩn bị lớn nhất từ trước đến nay. Và do là Festival đầu tiên của tỉnh, nên ai nấy nao nức muốn đến xem cho kỳ được. Bác Nguyễn Thị Tiên Loan, 69 tuổi, ở đường Trần Quang Diệu, TP.Quy Nhơn hồ hởi khoe: “Sáng 1.08 tôi đi xe buýt lên bảo tàng Quang Trung ở Tây Sơn từ sớm để kịp xem lễ rước Hoàng đế Quang Trung và văn thần võ tướng nhập điện. Bảo tàng này tôi lên nhiều lần rồi, nhưng lần này tổ chức hoành tráng quá, có voi, ngựa, sân khấu biểu diễn… coi đã mắt luôn. Thiệt tình trong đời, chưa bao giờ tôi chứng kiến một nghi lễ long trọng diễn ra ở quê mình lớn như vậy. Được đến và xem là mãn nguyện lắm rồi”.
Cả rừng người trong đêm khai mạc Festival (1.8)
Từ trước ngày khai mạc, những tụ điểm có tổ chức lễ hội luôn kín người tham gia. Ngay đêm diễn khai mạc, trời mưa như trút có làm giảm đi vẻ hoành tráng của tiết mục bắn pháo hoa lúc kết thúc, nhưng cũng không làm giảm đi khí thế của những người dân háo hức muốn tận mắt nhìn thấy một Festival hoành tráng đến mức nào. Tiếp diễn vẫn là các hoạt động Đêm hoa đăng đầm Thị Nại, đêm thơ Hàn Mạc Tử - Xuân Diệu ở đồi Ghềnh Ráng, biểu diễn nghệ thuật Chăm tại di tích tháp Đôi…
Khách tham quan bảo tàng trưng bày gốm cổ
Ngoài những hoạt động bên lề về văn hoá như Hội làng nghề truyền thống và ẩm thực, liên hoan sinh vật cảnh, liên hoan nghệ thuật tuồng toàn quốc, cuộc thi hoa hậu những miền đất võ… được người dân Bình Định và du khách thích thú tham dự, có một góc nhỏ khác đậm đặc trong không gian văn hoá gốm sứ. Đó là bảo tàng của hai nhà sưu tập tư nhân Nguyễn Vĩnh Hảo trên đường Lê Hồng Phong ở trung tâm TP.Quy Nhơn, với những hiện vật gốm sứ, Gò Sành từ vương triều Vijaya Chămpa xưa kia (sưu tập Nguyễn Vĩnh Hảo), đến dòng gốm Quảng Đức (nhà sưu tập Trần Thanh Hưng), được coi là sự tiếp nối của dòng gốm Chăm tại dải đất miền Trung. Sự kết hợp của hai nhà sưu tập tư nhân trong triển lãm để lại dấu ấn đẹp trong lòng người dân Quy Nhơn và khách tham quan. Tuy không nằm trong danh mục chính thức của lễ hội, nhưng triển lãm gốm cổ chuyên đề từ Gò Sành đến Quảng Đức là một điểm nhấn thú vị cho khách tham quan bên lề các hoạt động chính. Các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, và các tỉnh bạn suốt Festival cũng tìm đến với bảo tàng tư nhân này để nhìn lại những hiện vật được chủ nhân cất công sưu tầm, và được nghe về câu chuyện của các hiện vật như minh chứng một thời vàng son của dòng gốm Việt trên bản đồ gốm khu vực và thế giới.
Festival Tây Sơn - Bình Định vẫn tiếp tục diễn ra đến hết ngày 3.8 với lễ bế mạc có chương trình chung kết cuộc thi Hoa hậu những miền đất võ 2008, đang được mong đợi.
Bài, ảnh Nguyễn Đình
Biểu diễn tuồng cổ trong đêm khai mạc
Hoa hậu Việt Nam 2007 Mai Phương Thúy cũng có mặt tại Festival Tây Sơn - Bình Định
Một pha thi đấu quyết liệt cuả giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc
Nhiều hoạt động văn hóa tại Festival Tây Sơn - Bình Định (28/07/2008)
Vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu những miền Đất Võ. Ảnh: Anh Thu
(VH)- Trong khuôn khổ của Festival Tây Sơn – Bình Định 2008, tối 26.7, tại Nhà Văn hóa Lao động TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã diễn ra vòng bán kết cuộc thi Hoa hậu những miền Đất Võ với sự tham gia của 29 thí sinh được tuyển chọn qua vòng sơ loại.
Sau 3 nội dung tranh tài (trình diễn trang phục tự chọn, biểu diễn võ thuật và thi ứng xử), Ban tổ chức đã chọn ra 20 thí sinh xuất sắc tham gia đêm chung kết sẽ diễn ra vào tối 3.8 tại Quảng trường trước Trung tâm thương mại Quy Nhơn. Theo Ban tổ chức, ở vòng bán kết còn có 7 thí sinh quốc tế đăng ký dự thi. Các thí sinh này là các vận động viên tham gia Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ II, nên dự kiến phải đến cuối tháng 7 họ mới đến Quy Nhơn. Khi đó, sẽ có một Ban giám khảo được lập ra để chấm điểm cho các thí sinh quốc tế với các nội dung thi như ở vòng bán kết đã tổ chức. Nếu thí sinh nào vượt qua sẽ được tham gia vòng chung kết cuộc thi cùng các thí sinh khác trong cả nước.
Sáng cùng ngày, tại Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã khai mạc Triển lãm sưu tập chọn lọc các tác phẩm Mỹ thuật dân gian truyền thống Việt Nam, do Bảo tàng Tổng hợp Bình Định phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân Festival Tây Sơn - Bình Định 2008. Triển lãm đã giới thiệu 70 tác phẩm tiêu biểu của mỹ thuật dân gian Việt Nam trên các chất liệu đồng, đá, gỗ, giấy.
Sáng qua, 27.7, tại thành phố Quy Nhơn đã khai mạc Liên hoan sinh vật cảnh tỉnh Bình Định lần thứ V với sự tham gia của 50 đơn vị trong và ngoài nước. Đến với liên hoan, các đơn vị đã trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo, quý hiếm, đa dạng, phong phú ở các loại hình cây cảnh nghệ thuật, các loài hoa, tiểu cảnh, non bộ, chim-cá cảnh, đá cảnh, gỗ lũa, gốm sứ, thư pháp và trò chơi chọi gà... Cũng trong khuôn khổ Festival Tây Sơn-Bình Định, cùng ngày, Câu lạc bộ UNESCO Nghiên cứu sưu tầm cổ vật Bình Định (thuộc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật VN-Hiệp hội CLB UNESCO VN) đã chính thức ra mắt với 21 thành viên.
Nhân dịp này, nhiều cổ vật quý hiếm của các nhà sưu tập địa phương được trưng bày phục vụ du khách. Trước đó, ngày 24.7, tại Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya Chămpa Bình Định đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức”. Triển lãm giới thiệu những hiện vật gốm Quảng Đức tiêu biểu nhất trong bộ sưu tập gồm gần 100 hiện vật gốm Quảng Đức của ông Trần Thanh Hưng (Phú Yên); cùng các hiện vật gốm Quảng Đức, Gò Sành của Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành. Các hiện vật gốm Quảng Đức khá phong phú về loại hình, với hàng trăm bình vôi lớn nhỏ, nậm rượu, hũ các loại. Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở tỉnh Bình Định tham gia hoạt động văn hóa phục vụ Festival Tây Sơn-Bình Định.
Chiều nay, 28.7, sẽ khai mạc Giải vô địch Võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ 18 - năm 2008 tại Nhà thi đấu SVĐ Quy Nhơn. Có khoảng 700 thành viên của 50 đoàn trên toàn quốc tham gia giải võ cổ truyền này.
Nguyễn Việt đức
VĂN HOÁ - NGHỆ THUẬT
Tiếng vọng Gò Sành
Giữa không khí náo nức của những ngày tiền Festival, triển lãm “từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức” tưởng sẽ chìm lấp. Vậy mà, đây lại là một hoạt động để lại nhiều dư vang. Ở đó, có một cuộc trở về với nơi khai sinh của một dòng gốm vốn là “tiếng vọng” của gốm Gò Sành...
Các đại biểu dự khai mạc triển lãm đang tìm hiểu về các hiện vật gốm Quảng Đức (ảnh V.T).
Người đề ra ý tưởng cho cuộc hội ngộ này là ông Nguyễn Vĩnh Hảo (Chủ nhân Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành) và người đưa gốm Quảng Đức trở về là ông Trần Thanh Hưng, một nhà sưu tập gốm cổ Quảng Đức ở Phú Yên. Hiện vật trong bộ sưu tập của ông Hưng, cùng với hiện vật gốm Quảng Đức hiện hữu trong sưu tập của ông Nguyễn Vĩnh Hảo, góp mặt cùng các hiện vật hiện có của Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành, hợp thành một triển lãm bề thế, sống động.
Hàng trăm bình vôi gốm Quảng Đức bày trên một tấm phản xưa, thoạt trông đã thấy ấn tượng. Bên cạnh đó, những hiện vật khác của gốm Quảng Đức với nhiều loại hình như nậm rượu, hũ các loại. Đáng chú ý nhất trong bộ sưu tập là chiếc bình vôi gốm Quảng Đức từng nằm trong bộ sưu tập của Ngô Đình Cẩn (em trai của Ngô Đình Diệm), đã sang tay một nhà sưu tập khác trước khi về với Trần Thanh Hưng - nhà sưu tập nặng nợ với dòng gốm Quảng Đức. Hiện vật độc đáo khác là chiếc bình, được tìm thấy ở kênh rạch quanh TP. Hồ Chí Minh, đề chữ nôm trên thân gốm.
Bên những hiện vật gốm Chăm, với cả dáng vẻ lịch lãm của những món đồ ngự dụng, những tinh tế đến nao lòng của tượng gốm, là vẻ thô mộc, kín đáo của gốm Quảng Đức. Cả hai như cùng toát lên, sau dáng vẻ thân thương của gốm, câu chuyện về lịch sử dài lâu của một vùng đất vốn một thời, từng là một trong những trung tâm của Champa xưa, rồi là nơi biên viễn, thừa tuyên Quảng Nam đạo của Đại Việt thời Lê Thánh Tông.
Bởi vậy, nếu gốm Gò Sành là dấu ấn một thời rực rỡ của Champa xưa, thì Quảng Đức là câu chuyện về sự lan tỏa, chuyển dời và phát triển từ Gò Sành. Chẳng là, cách đây 400 năm trước (khoảng đầu thế kỷ XVII), một dòng họ Nguyễn ở Bình Định mang nghề vào vùng đất Ngân Sơn (nay thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Bởi vậy, có thể cho rằng gốm Quảng Đức là sự tiếp nối dòng gốm Gò Sành Bình Định. Khi dòng họ Nguyễn đến vùng đất Ngân Sơn với những thuận lợi cho nghề, nhất là về nguyên liệu, nhiên liệu đốt lò và đặc biệt là giao thông thủy để vận chuyển tiêu thụ gốm thì dừng lại và tiếp nối nghề. Tuy nhiên, chính trên vùng đất mới này, những nghệ nhân xưa đã cho ra đời một dòng gốm mới: gốm Quảng Đức. Và như vậy, từ Gò Sành đến Quảng Đức gắn với lịch sử cùng những thăng trầm của vùng đất Bình Định xưa.
Nhà sưu tập Trần Thanh Hưng thổ lộ: “Gốm Quảng Đức cũng là sự kết hợp của đất và lửa nhưng được làm bằng những nguyên liệu và kỹ thuật nung độc đáo. Đất sét lấy ở vùng An Định, tạo men màu nhờ hỏa biến sò huyết ở đầm Ô Loan nổi tiếng trong quá trình nung, dùng toàn củi bằng lăng, một loại gỗ đặc trưng của Phú Yên xưa, có nhiều ở vùng An Thạch”. Thịnh thời, gốm Quảng Đức được bán đi nhiều nơi trong nước. Trong hàng ngàn cổ vật của con tàu đắm Bình Thuận, bên cạnh gốm sứ thuộc các lò nổi tiếng Cảnh Đức Trấn, Đức Hóa (Trung Hoa), còn có cả gốm Gò Sành và gốm Quảng Đức. Điều này cho thấy, gốm Gò Sành và Quảng Đức đã có vị thế nhất định trên hải trình giao lưu văn hóa, không chỉ trong nước…
Hai chiếc bình vôi từng nằm trong bộ sưu tập của Ngô Đình Cẩn (ảnh V.T).
Sản phẩm gốm Quảng Đức có nhiều loại như vò, chậu, ché, bình vôi, đèn dầu… với nhiều kích cỡ khác nhau. So sánh với kỹ thuật tạo tác gốm Gò Sành, gốm Quảng Đức có nhiều tương đồng. Chẳng như, cả hai cũng dùng bàn xoay, đắp con chạch hoặc làm bằng khuôn. Hoa văn trên gốm Quảng Đức khá ít, chủ yếu là hoa văn khắc vạch.
Điều thú vị là trên các sản phẩm gốm Quảng Đức đều còn có dấu vỏ sò. Đây cũng là điểm làm cho gốm Quảng Đức khác với các dòng gốm khác. Một số nhà nghiên cứu cho rằng thợ thủ công ở Quảng Đức đã dùng sò huyết đầm Ô Loan chèn vào bao gốm trong quá trình nung nhằm làm tăng nhiệt độ sản phẩm, tạo nên hiện tượng hỏa biến trong quá trình nung, làm nên nhiều sắc màu cho sản phẩm. Cũng do vậy, gốm Quảng Đức có ba màu cơ bản là xanh đậm, bóng và lỳ; trong đó, màu xanh đậm là màu lửa hoàn nguyên, đẹp và đặc trưng nhất. Và vậy là, trên đất mới, gốm Gò Sành không những đã hồi sinh, mà còn phát triển với phong cách mới, tạo thành một dòng gốm mới, tiếp tục làm say lòng bao người yêu gốm.
Thưởng lãm hai dòng gốm của cùng một cội nguồn khai sinh, trong cái không khí náo nức của những ngày tiền Festival, ta lại thấy thêm phần ý nghĩa. Dường như, đã có một cuộc trở về, một sự lan tỏa rồi hội tụ, thể hiện từ gốm và qua gốm. “Tiếng vọng Gò Sành” nhắc nhớ trong ta nhiều điều, chí ít là thêm một lần tự hỏi, rằng với hai dòng gốm vốn đã cùng thất truyền này, phải làm gì để tiếp tục tôn vinh về một miền quê gốm? Phải làm gì để tôn vinh một dòng gốm độc đáo, nơi hội tụ những giá trị tinh tế nhất cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật, phản ánh diện mạo văn hóa một vùng đất?
Cần có thêm những tiếng vọng từ tiếng vọng Gò Sành…
Lê Viết Thọ
VĂN HOÁ - NGHỆ THUẬT
Đại diện CLB UNESCO Nghiên cứu Sưu tầm Cổ vật Phú Yên (đầu tiên, bên trái) giới thiệu với các quan khách về các hiện vật gốm Quảng Đức.
(BĐ) - Chiều qua (24.7), tại Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya Chămpa Bình Định (TP. Quy Nhơn), đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức”. Dự khai mạc, có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Triển lãm giới thiệu những hiện vật gốm Quảng Đức tiêu biểu nhất trong bộ sưu tập gồm gần 100 hiện vật gốm Quảng Đức của ông Trần Thanh Hưng (Phú Yên); cùng các hiện vật gốm Quảng Đức, Gò Sành của Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành. Các hiện vật gốm Quảng Đức khá phong phú về loại hình, với hàng trăm bình vôi lớn nhỏ, nậm rượu, hũ các loại. Đáng chú ý là có hai chiếc bình vôi từng nằm trong bộ sưu tập của Ngô Đình Cẩn (em trai của Ngô Đình Diệm).
Gốm Quảng Đức ra đời cách đây 300 năm (khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII), do một dòng họ Nguyễn ở Bình Định vào cư trú tại vùng đất Quảng Đức (nay thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) khai sinh. Gốm Quảng Đức là sự tiếp nối dòng gốm Gò Sành Bình Định. Do vậy, thông qua các hiện vật, triển lãm đã cho thấy hành trình của gốm gắn với lịch sử của một vùng đất qua hàng trăm năm.
Triển lãm “Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức”, do Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya Chămpa Bình Định phối hợp với CLB UNESCO Nghiên cứu Sưu tầm Cổ vật Phú Yên và sưu tập tư nhân Trần Thanh Hưng tổ chức, là một hoạt động tiền Festival Tây Sơn - Bình Định 2008.
Viết Thọ
CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI
Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao Trung ương về thăm tỉnh Bình Định
(BĐ) - Ngày 2.8, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã đến thăm khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội. Tại đây đồng chí đã nghe đồng chí Vũ Hoàng Hà, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trình bày tiềm năng, tương lai phát triển của KKT; cũng như quá trình kêu gọi đầu tư, các dự án đã và đang khởi động….
Sáng 3.8, đồng chí Nguyễn Văn An và nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng với đồng chí Vũ Hoàng Hà, đến thăm Bảo tàng tư nhân Gốm Gò Sành Vijaya - Champa - Bình Định, 173 Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, khu trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh tại Liên hoan Sinh vật cảnh Bình Định lần thứ V (2008). Nguyên Chủ tịch Quốc hội khen ngợi liên hoan và chúc Hội Sinh vật cảnh Bình Định phát triển bền vững, hướng việc sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế nhiều triển vọng.
* Trong hai ngày 2 và 3.8, đồng chí Lê Hồng Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Công an đã tham dự một số hoạt động Festival Tây Sơn - Bình Định, viếng Bảo tàng Quang Trung, thắp nhang đền thờ Tây Sơn tam kiệt. Các đồng chí Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐND tỉnh, Nguyễn Văn Thiện- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Định đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng. Đến thăm và làm việc tại huyện Hoài Ân, đồng chí Bộ trưởng đã đến viếng đền thờ nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ (1859-1906), thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Luyến (87 tuổi, ở thôn An Thường, xã Ân Thạnh). Đồng chí Bộ trưởng cũng đã nhờ UBND huyện Hoài Ân gửi tặng 20 chiếc xe lăn cho những người bị bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn không thể mua được phương tiện sử dụng.
* Trước đó, chiều ngày 1.8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến tham quan KKT Nhơn Hội. Thay mặt tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Thiện, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã báo cáo với Phó Thủ tướng những nét cơ bản về quá trình hình thành và công tác quy hoạch, xây dựng, kêu gọi vốn đầu tư vào KKT… Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong triển khai có hiệu quả việc xúc tiến đầu tư cũng như đảm bảo tiến độ xây dựng KKT Nhơn Hội theo kế hoạch đề ra. Đồng chí cũng lưu ý, tỉnh cần tìm hiểu và lựa chọn những nhà đầu tư trong, ngoài nước có đủ điều kiện về năng lực tài chính và quan tâm đến những dự án công nghiệp “sạch” để giữ gìn sự bền vững của môi trường.
N. Diên– M.L.G – Q.Hoa
Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức
Tượng voi cổ bằng đất
TTO - Đó là tên gọi của triển lãm gốm cổ đang diễn ra tại bảo tàng tư nhân gốm cổ Gò Sành Vijiaya Champa Bình Định (TP Quy Nhơn), dự kiến kéo dài đến hết ngày 24-8.
Đây là một trong những hoạt động nhằm chào mừng Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 diễn ra từ ngày 1 đến 3-8.
Triển lãm giới thiệu hơn 300 hiện vật bao gồm gốm cổ Gò Sành của bảo tàng và gốm Quảng Đức của nhà sưu tập Trần Thanh Hưng (Phú Yên). Các hiện vật được trưng bày khá phong phú và đa dạng gồm: bình vôi, hủ, chậu, ché, dĩa, tượng, linh vật… Trong triển lãm có sự xuất hiện của hai bình vôi từng nằm trong bộ sưu tập của Ngô Đình Cẩn (em trai của Ngô Đình Diệm).
Một bức tượng đất nung
Champa Những chiếc bình cổ
Được biết, đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên của tỉnh Bình Định được cấp phép hoạt động với số lượng hiện vật bằng gốm cổ lên đến 3.000. Ông Nguyễn Vĩnh Hảo, chủ bảo tàng, là một nhà sưu tập gốm Gò Sành nổi tiếng và bảo tàng được xây dựng theo kiến trúc cổ ngay góc ngã tư đường Tăng Bạt Hổ - Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn).
Một góc bảo tàng
Khách đến tham quan bảo tàng
PHI LONG