.(BĐ) - Chiều qua (24.7), tại Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya Chămpa Bình Định (TP. Quy Nhơn), đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức”. Dự khai mạc, có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Đại diện CLB UNESCO Nghiên cứu Sưu tầm Cổ vật Phú Yên (đầu tiên, bên trái) giới thiệu với các quan khách về các hiện vật gốm Quảng Đức.
Triển lãm giới thiệu những hiện vật gốm Quảng Đức tiêu biểu nhất trong bộ sưu tập gồm gần 100 hiện vật gốm Quảng Đức của ông Trần Thanh Hưng (Phú Yên); cùng các hiện vật gốm Quảng Đức, Gò Sành của Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành. Các hiện vật gốm Quảng Đức khá phong phú về loại hình, với hàng trăm bình vôi lớn nhỏ, nậm rượu, hũ các loại. Đáng chú ý là có hai chiếc bình vôi từng nằm trong bộ sưu tập của Ngô Đình Cẩn (em trai của Ngô Đình Diệm).
Gốm Quảng Đức ra đời cách đây 300 năm (khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII), do một dòng họ Nguyễn ở Bình Định vào cư trú tại vùng đất Quảng Đức (nay thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) khai sinh. Gốm Quảng Đức là sự tiếp nối dòng gốm Gò Sành Bình Định. Do vậy, thông qua các hiện vật, triển lãm đã cho thấy hành trình của gốm gắn với lịch sử của một vùng đất qua hàng trăm năm.
Triển lãm “Từ gốm Gò Sành đến gốm Quảng Đức”, do Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya Chămpa Bình Định phối hợp với CLB UNESCO Nghiên cứu Sưu tầm Cổ vật Phú Yên và sưu tập tư nhân Trần Thanh Hưng tổ chức, là một hoạt động tiền Festival Tây Sơn - Bình Định 2008.
Viết Thọ