Chiều chớm xuân bên dòng sông Ba soi bóng phố thị Tuy Hòa, Suzuki Tomomi, người Nhật Bản, say sưa phác họa lại chuyến điền dã từ Đà Nẵng đến Phú Yên để được tận mắt chiêm ngưỡng những kiệt tác gốm nung Sa Huỳnh. “Gốm nung, nhất là gốm Quảng Đức ở Phú Yên với những hũ đựng dầu làm đèn, nậm rượu, vò - bình - chóe đựng rượu, bình vôi, khuôn in chữ Công, tượng Phật... thật sự làm rung động trái tim tôi!” - chị Tomomi tâm sự như vậy, khi đang nghiên cứu dòng chảy văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung của Việt Nam.
DẤU XƯA TRONG DÒNG CHẢY VĂN HÓA SA HUỲNH
Nhà sưu tập Thanh Hưng và chị SUZUKI Tomomi trao đổi về dòng gốm nung Quảng Đức - Ảnh: LƯU PHONG
Tomomi sinh năm 1985 ở TP Chiryu, tỉnh Aichi tại miền Trung nước Nhật. Tomomi tốt nghiệp khoa Sử văn hóa - Đại học Doshisha, hiện đang làm luận án tiến sĩ về dòng chảy văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam, do tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) hướng dẫn.
Buổi sáng không nắng không mưa. Chị Tomomi cùng tôi và nhà báo Hoàng Chương, nhà văn Thạch Thảo hội ngộ nơi hội quán Delta ở phố biển Tuy Hòa. Bên tách cà phê nhỏ giọt, chị thổ lộ đã có chuyến đi dài đến Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định..., và Phú Yên là chặng dừng chân cuối cùng trong hành trình tìm tòi, nghiên cứu dòng chảy văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung của Việt Nam để làm luận văn tiến sĩ. Ở đó, chị đã gặp gỡ nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ, nhà sưu tập... gốm Sa Huỳnh. Nói đến văn hóa Sa Huỳnh là đề cập đến nền văn hóa vật chất của cư dân Sa Huỳnh luôn gắn liền với biển Việt Nam. Chị Tomomi cho biết: “Tôi thật sự thích thú khi được tắm mình trong “không gian văn hóa” Nam Trung Bộ của Phức hệ Sa Huỳnh với những đặc trưng độc đáo trong không gian và thời gian tồn tại và phát triển của nó. Năm 1909, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện một kho chum khoảng 200 chiếc ở ven vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Từ đó đến nay, hàng trăm di chỉ của nền văn hóa này đã được tìm thấy khắp các tỉnh ven biển miền Trung...”.
Khi hỏi cơ duyên nào đưa chị đến Việt Nam và đam mê nghiên cứu về dòng chảy văn hóa Sa Huỳnh đến như vậy, chị Tomomi cho hay, qua nghiên cứu và biết được Trung tâm Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi có sự giao lưu rộng với các nơi trong khu vực. Những hiện vật đặc trưng của Sa Huỳnh tìm thấy ở vùng phân bố của văn hóa Đông Sơn, ở Thái Lan, ở vùng hải đảo Đông Nam Á... Các hiện vật trang sức bằng đá mã não và các loại đá quý khác trong các mộ chum Sa Huỳnh đều có nguồn gốc từ vùng Trung Á... “Có một mối liên hệ mật thiết giữa gốm Gò Sành ở Bình Định (mà các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản cho là gốm do người Chăm tạo tác thế kỷ XIII đến XIV) với gốm Quảng Đức (tồn tại từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XX) ở Phú Yên. Trên website www.asia.si.edu, nhiều hiện vật gốm cổ Quảng Đức được giới thiệu như một chỉ dẫn về văn hóa cho vùng đất Phú Yên tại miền Trung Việt Nam... Gốm nung Sa Huỳnh lưu dấu ấn của một nền văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, đã thật sự làm rung động trái tim tôi”, chị Tomomi nói.
Câu chuyện thêm lý thú khi nhà văn Thạch Thảo bật mí cho Tomomi biết về “bảo tàng” gốm nung Quảng Đức của Phú Yên tại nhà sưu tập Trần Thanh Hưng ở 194 Nguyễn Công Trứ, TP Tuy Hòa. Khi đến tham quan phòng trưng bày này, Tomomi vui sướng được tận tay “sờ” một số gốm cổ Quảng Đức là độc bản. Trong số khoảng 200 hiện vật, có những chiếc hỏa lò để bàn, khuôn in hình chữ Công, tượng Phật, đôn hóa vàng, lư hương... có dòng chữ “1934 villa de Quang Đuc”, chiếc vò có dòng chữ Hán “Liên Thành công ty” do Hãng nước mắm Liên Thành đặt làm (Liên Thành là một trong những thương hiệu đầu tiên của Việt Nam năm 1904, cụ Phan Chu Trinh là một trong những thành viên sáng lập)... Qua giới thiệu của nhà sưu tập Thanh Hưng, chị Tomomi hiểu thêm kỹ thuật chế tác gốm độc đáo riêng có ở làng gốm Quảng Đức của vùng sông nước Ngân Sơn thơ mộng tại huyện Tuy An, do những nghệ nhân của một dòng họ Nguyễn ở Bình Định mang nghề vào.
Tomomi chụp ảnh sưu tầm hiện vật gốm nung - Ảnh: LƯU PHONG
“NGƯỜI BẠN ĐẸP”...
Chỉ mới đến Việt Nam hơn một năm, chị Tomomi đã học và nói tiếng Việt rất giỏi, lưu loát. Chị giải nghĩa cái tên Tomomi của mình là trí mỹ hay một “người bạn đẹp” và thông minh. Gần 10 ngày nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh ở Phú Yên, chị Tomomi đã nhiều lần ra ngắm biển, chiêm ngưỡng Tháp Nhạn cổ kính, thăm Bảo tàng Phú Yên... Chị tâm sự rằng, ở Phú Yên rất yên bình, có các loại hải sản ở Phú Yên như sò huyết, ghẹ hấp, ốc vòi voi, cá dìa tươi... rất ngon, rẻ, hợp khẩu vị. Tomomi rất tiếc là không có thời gian để thưởng thức các món cá ngừ đại dương - một đặc sản của Phú Yên đang xuất khẩu mạnh sang Nhật Bản.
Bên tách cà phê nhỏ giọt, sóng sánh, chị Tomomi trăn trở nói: “Văn hóa lịch sử Phú Yên rất thú vị, đa dạng, phong phú, đặc biệt là sản vật gốm nung Quảng Đức. Tuy nhiên, khác với các tỉnh ở miền Trung, dường như chưa có nhiều nhà nghiên cứu hay sinh viên thật sự nghiên cứu sâu, bài bản về dòng chảy văn hóa Sa Huỳnh ở Phú Yên, thể hiện qua di sản gốm Quảng Đức độc đáo, tiêu biểu trên vùng đất Phú Yên hơn 400 năm hình thành, phát triển. Dẫu sao, ở Phú Yên vẫn còn đó những nhà sưu tập gốm cổ như anh Thanh Hưng, Đoàn Phước Thuận, Trần Đắc Lực là rất có giá trị, đáng quý!
Và trong mắt tôi, Tomomi đúng nghĩa là một “Người bạn đẹp” cả trí tuệ và tâm hồn! Tomomi hứa một ngày không xa sẽ trở lại Phú Yên mang theo niềm đam mê, lòng nhiệt huyết để cùng với các nhà khảo cổ khai quật, nghiên cứu hiện vật để khẳng định giá trị gốm Quảng Đức Phú Yên gắn với dòng chảy văn hóa Sa Huỳnh miền Trung để quảng bá trên thế giới.
NGUYÊN LƯU