Bên dòng sông Cái đẹp như một bức tranh là ngôi làng nức tiếng một thời: làng gốm Quảng Đức. Những người thợ nơi đây từng làm nên một dòng gốm mộc mạc nhưng độc đáo với màu men bí ẩn, cách đây hơn 300 năm. Chiến tranh loạn lạc, nghề gốm xưa đi vào quá vãng, song những hiện vật của làng vẫn khiêm nhường hiện diện trong nhiều ngôi nhà ở… Tây Nguyên hoặc được các nhà sưu tập nâng niu, gìn giữ.
Nhà sưu tập Trần Thanh Hưng (bên phải) với một hiện vật gốm cổ Quảng Đức - Ảnh: MINH NGUYỆT
Nghề gốm ở Quảng Đức (xã An Thạch, huyện Tuy An) từng rất thịnh. Những lò gốm ngày ngày đỏ lửa, tấp nập kẻ bán người mua. Gốm Quảng Đức không chỉ được ưa chuộng tại Phú Yên mà còn theo chân thương lái đến các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, vào tận Nam Bộ.
Tại nhà số 194 đường Nguyễn Công Trứ (TP Tuy Hòa), hàng trăm hiện vật gốm Quảng Đức gồm bình, bình vôi, lọ, nậm rượu, chậu, chóe… đang được nhà sưu tập Trần Thanh Hưng gìn giữ. Một trong những hiện vật mới được đưa về đây là chiếc chóe do bà H’Ben ở huyện Kong Chro (Gia Lai), tặng. Chiếc chóe gốm Quảng Đức này, bà H’Ben từng dùng để đựng rượu cần đãi anh em văn nghệ sĩ mỗi khi họ đến nhà.
Trong chuyến công tác lên Tây Nguyên, nhà báo - nhà sưu tập Trần Thanh Hưng, Trưởng phòng Thời sự Trung tâm Truyền hình VN tại Phú Yên thu thập nhiều thông tin thú vị. Tại nhà truyền thống của Tòa Giám mục Kon Tum, trong số những hiện vật gắn với đời sống của đồng bào nơi đây có rất nhiều nậm rượu, chóe, chum… gốm Quảng Đức. Tại đây có chiếc chóe của bà NgLar ở TP Pleiku (Gia Lai) có vết tên bắn xuyên thủng đã được bít lại, do ông ngoại bà mua từ một người ở Sở Trà, giá một con bò, bốn bộ chiêng, một con heo to, một cái gak và hai váy dệt. Có những chiếc chóe gốm khác được mua với giá mười con trâu, như chiếc chóe ở Plơi Kon Dững (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum). Có những chiếc chóe hiện được định giá từ 20 - 30 triệu đồng. Theo tài liệu của Tòa Giám mục, sau khi đặt chân đến Phú Yên qua cửa biển Tiên Châu (huyện Tuy An), các thừa sai người Pháp đã rất nhiều lần tìm đường lên Tây Nguyên để truyền giáo nhưng không thành. Đến năm 1842, hai linh mục người Pháp, một thầy giảng và ba giáo dân từ Phú Yên đi theo hướng Thạch Thành lên Tây Nguyên. “Những chi tiết này cho thấy, rất có thể con đường truyền giáo của các thừa sai cũng là con đường đến với Tây Nguyên của gốm cổ Quảng Đức” - nhà sưu tập Trần Thanh Hưng nói.
Nhiều chóe Quảng Đức trưng bày tại Phòng truyền thống Tòa giám mục Kon Tum - Ảnh: THANH HƯNG
Mùa hè vừa qua, trở lại làng Quảng Đức, anh Trần Thanh Hưng sưu tầm được một khuôn in hình chữ nhật, đắp âm bản chữ “công”. Đây là khuôn in để những người thợ gốm xưa kia tạo hoa văn chữ công trên các sản phẩm, một phù điêu trang trí thường gặp trên đồ đất nung Quảng Đức. Năm nay, anh còn sưu tầm được một số bình vôi ở Lâm Đồng có hoa văn bát bửu, chữ “thọ”… nước men rất đẹp. Càng tìm hiểu, càng thấy gốm Quảng Đức xưa không chỉ xù xì thô ráp như nhiều người vẫn nghĩ. Có những hiện vật họa tiết tinh xảo và ý nghĩa của chủ đề trang trí không kém bất kỳ dòng gốm sứ nào. Điều đó cho thấy, dù Quảng Đức là một dòng gốm dân dã, mộc mạc, song được làm nên từ những đôi tay rất tài hoa.
Những người mê gốm cổ đang nỗ lực đưa các hiện vật của làng Quảng Đức ra khỏi lớp bụi hơn 300 năm, để chúng góp thêm tiếng nói về văn hóa của một vùng đất.
LÂM VY